Dường như AMD và Intel đã cùng nhau đưa ra quyết định ra mắt những dòng CPU mới năm nay mà lại chưa thật sự làm hài lòng người dùng. AMD với bộ xử lý Ryzen 9000 chỉ mang lại mức cải thiện không đáng kể so với thế hệ chip Zen 4 trước đó, trong khi chip Arrow Lake được mong chờ từ lâu của Intel cũng không đạt được kết quả ấn tượng như kỳ vọng.
Mặc dù cả hai mẫu chip này đều không nổi bật nhất trong phân khúc của mình (thậm chí xét về giá trị cũng không hẳn là tối ưu), nhưng nhiều người vẫn sẽ cân nhắc và so sánh chúng với nhau. Cả hai bộ xử lý 6 lõi này đều có một số ưu điểm và nhược điểm riêng (chủ yếu là nhược điểm). Vì vậy trong bài viết này, mình sẽ phân tích kỹ lưỡng về thông số kỹ thuật, hiệu suất và hiệu quả của chúng để giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn và đưa ra quyết định chọn lựa phù hợp nhé!
Giá thành, tính khả dụng và thông số kỹ thuật
Cả Core Ultra 245K và Ryzen 5 9600X đều là những sản phẩm mới trên thị trường nên hiện tại sẽ khá khó để tìm được mức giảm giá đáng kể cho chúng. Bộ xử lý của Intel có giá khoảng 320 đô la, trong khi Ryzen 9600X của AMD lại dễ chịu hơn với mức giá khoảng 279 đô la (thậm chí có thể thấp hơn). Ryzen 9600X được xây dựng trên kiến trúc Zen 5 mới nhất của AMD, tích hợp 6 lõi và 12 luồng, sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến của TSMC với các quy trình 4nm và 6nm.
Intel Core Ultra 5 245K | AMD Ryzen 5 9600X | |
Socket | LGA 1851 | AM5 |
Số nhân | 6P/8E | 6 |
Số luồng | 14 | 12 |
Tốc độ xung cơ bản | 4,2GHz/3,6GHz | 3,9 GHz |
Tốc độ xung tăng tốc | 5,2GHz/4,6GHz | 5,4 GHz |
PCIe | 5 | 5 |
Bộ nhớ đệm | 24MB L3 + 26MB L2 | 38MB |
Hỗ trợ RAM | DDR5-6400 | DDR5-6000 |
Đồ họa tích hợp | Đồ họa Intel | Đồ họa AMD Radeon (2 lõi) |
Kiến trúc | Arrow Lake-S | Zen 5 |
Quá trình | TSMC N3B | TSMC 4nm, 6nm |
TDP | 125W | 65W |
Trong khi đó, Core Ultra 245K của Intel có cấu trúc 6 lõi P và 8 lõi E, dựa trên kiến trúc Arrow Lake mới nhất và cũng sử dụng công nghệ TSMC với quy trình sản xuất 3nm (N3B). Lần này, Intel đã loại bỏ đi tính năng siêu phân luồng, vì vậy mẫu CPU này chỉ có 14 luồng – vẫn nhiều hơn một chút so với số luồng của Ryzen. Mặc dù 9600X có TDP thấp hơn và xung nhịp tăng tốc nhỉnh hơn, nhưng các lõi hiệu quả của 245K vẫn đem lại cho nó lợi thế trong một số tác vụ nhất định.
Hiệu suất gaming và xử lý công việc
Mình khá do dự khi khẳng định Core Ultra 5 245K hay Ryzen 5 9600X là lựa chọn lý tưởng cho chơi game hoặc công việc năng suất vì cả hai sản phẩm này đều có những điểm mạnh riêng. Core Ultra 5 245K đã gây bất ngờ khi có hiệu suất chơi game không mấy ấn tượng, không chỉ thua kém so với 9600X mà còn so với các bộ xử lý như Core i5-14600K, Ryzen 7 5800X3D và Ryzen 5 7600X.
AMD Ryzen 5 9600X
Trên các trang review uy tín và đáng tin cậy cũng cho thấy rõ ràng Core Ultra 5 245K không vượt qua được bộ xử lý Ryzen 5 9600X của AMD. Trung bình, hiệu suất của 245K chậm hơn từ 9-12% so với 9600X và thậm chí còn yếu hơn trong một số tựa game cụ thể. Dù có vài trò chơi mà bộ xử lý Intel có ưu thế nhưng nhìn chung, 245K vẫn không phải là ưu tiên hàng đầu cho việc chơi game, nhất là khi xét đến mức giá cao hơn đáng kể của nó.
Intel Core Ultra 5 245K
Tuy nhiên xét về năng suất thì 245K lại là lựa chọn đáng giá hơn khi nó đã vượt qua 9600X ở hầu hết các tiêu chí. Các lõi hiệu năng cao của 245K giúp mang lại sức mạnh đa luồng ấn tượng, thậm chí trong các tác vụ như render hình ảnh, nó có thể đạt hiệu suất tốt hơn đến 50%. Dù một số bài kiểm tra cho thấy 9600X có kết quả nhỉnh hơn nhưng những trường hợp này là khá hiếm.
Kết quả Cinebench 2024 (Đơn lõi)
Kết quả Cinebench 2024 (Đa lõi)
Ngoài ra, NPU chuyên dụng của 245K có thể hỗ trợ cho một số tác vụ AI, dù rằng khả năng xử lý 13 TOPS có thể chưa hẳn là một lợi thế lớn trong mọi trường hợp.
Hiệu suất AI (NPU)
Nhiệt độ và mức tiêu thụ điện
Về nhiệt độ và mức tiêu thụ điện, Intel đã cố gắng giảm mức tiêu thụ điện năng cho 245K tới tối đa với mức giảm lên đến 50% so với Core i5-14600K. Tuy nhiên, khi so với 9600X thì mức tiêu thụ điện năng của 245K lại không có sự chênh lệch đáng kể. Trong các bài test gaming, 245K thường mang lại FPS thấp hơn nhưng tiêu thụ ít điện năng hơn, còn trong các tác vụ năng suất, điện năng tiêu thụ lại tăng lên để đạt hiệu suất tốt hơn.
Tổng quan, cả hai CPU đều dễ dàng được làm mát; 9600X không vượt quá 100W và 245K không quá 150W. Tuy nhiên, bộ xử lý của Intel vẫn cần hệ thống tản nhiệt tốt hơn, đặc biệt nếu bạn sử dụng nó cho các tác vụ đa lõi thay vì chơi game. Dù Intel đã có “tiến bộ” trong việc giảm điện năng tiêu thụ trên dòng CPU Arrow Lake, tuy nhiên vẫn còn một số điểm cần cải thiện, nhất là khi chip Zen 5 của AMD hiện đang có hiệu suất tốt hơn trên mỗi watt điện (ít nhất là trong khoản chơi game).
Hiệu suất CPU trên mỗi watt điện
Về nhiệt độ, cả hai CPU đều duy trì ở mức dưới 65℃ trong cả chơi game và công việc, miễn là bạn sử dụng một bộ tản nhiệt AIO 360mm. Ngay cả với các bộ tản nhiệt khí chất lượng tốt, nhiệt độ của chúng vẫn ổn định và không vượt quá mức tối đa cho phép. Mặc dù 245K tiêu thụ nhiều điện năng hơn trong một số tác vụ nhưng nhiệt độ của nó vẫn tương đương với 9600X, đây là một ưu điểm đáng tuyên dương cho mẫu chip của Intel.
Vậy nên mua Core Ultra 5 245K hay Ryzen 5 9600X?
Bạn không nên chọn bất kỳ CPU nào trong số này nếu mục đích chính là chơi game hoặc làm việc. Các chip như Ryzen 5 7600X và Ryzen 5 7700 cũng cho hiệu suất chơi game tương đương với 9600X, nhưng giá rẻ hơn và vẫn tương thích với nền tảng AM5 mới nhất. Còn nếu bạn đang tìm một CPU mạnh mẽ hơn cho năng suất của Intel, có lẽ bạn sẽ nên đầu tư thêm để chọn Core Ultra 7 265K với hiệu suất cao hơn hoặc một mẫu CPU Raptor Lake thuộc về thế hệ trước.
Dù vậy, nếu như bạn vẫn đang phân vân giữa 2 con chip này và muốn xây dựng một bộ PC gaming mới với RAM DDR5 thì Ryzen 5 9600X sẽ là sự lựa chọn hợp lý hơn, với hiệu suất chơi game cao hơn và giá thành thấp hơn. Mẫu chip này còn có TDP thấp hơn và nhiệt độ hoạt động tương tự như Core Ultra 5 245K. Bên cạnh đó, tổng chi phí hệ thống của 9600X cũng sẽ thấp hơn vì hiện tại các bo mạch chủ hỗ trợ CPU Arrow Lake chỉ có dòng Z890 với giá thành khá đắt đỏ.